Tranh chấp đất đai, nếu không muốn mang họa hãy nhớ kỹ 3 điều này

Ông bà ta có câu “Tấc đất, tấc vàng” để nói về giá trị của đất. Đất đai là tài sản có giới hạn, không thể tự sinh ra. Chính vì thế, có không ít vụ tranh chấp đất đai kết thúc bằng tấm thảm kịch khi 2 bên tranh chấp giải quyết bằng vũ lực.

Thậm chí, không hiếm trường hợp anh em ruột thịt, hàng xóm láng giềng…đánh chém nhau, gây thương tích, án mạng chỉ vì vài chục cm đất tranh chấp. Lúc này, đất chưa phải vàng mà đã thành hoạ rồi. Vậy xử lý thế nào nếu bạn vướng vào tranh chấp đất đai, để vừa được việc vừa không thành mối hoạ.

tranh-chap-dat-dai-1
Tranh chấp đất đai nếu không xử lý khéo léo rất dễ xảy ra tai họa

Bình tĩnh xử lý, hoạ từ miệng mà ra

          Cách đây 3 năm, vụ án thảm sát xảy ra tại huyện Đan Phượng, Hà Nội với 5 thương vong đã gây chấn động vì người gây án và người bị hại là anh em ruột thịt, thế mà chỉ vì tranh chấp đất đai thì người anh đã ra tay thảm sát gia đình người em. Kết cục là 5 người chết, kẻ đối mặt án tử và gia đình thì tan nát, xóm làng đau thương.

          Kẻ có lỗi không thể tha thứ trong trường hợp này chắc chắn là người anh, kẻ ra ray tàn ác với chính gia đình mình. Nhưng nhìn lại quá trình mâu thuẫn thì có thể thấy nguyên nhân kích động khiến cho người anh trở lên có “ma tính” và hình thành nên hành động độc ác là do hắn nghĩ rằng gia đình nạn nhân, trong đó có cháu dâu, rể con của người em đã xúc phạm mình, xỉ nhục mình.

Tranh-chap-dat-dai-2
Nóng nảy, không kiểm soát được lời nói sẽ chỉ đẩy sự mâu thuẫn hai bên đi xa hơn

          Theo khoa học, việc xúc phạm, lăng mạ người khác có thể khiến người bị lăng mạ, xúc phạm rơi vào nhiều trạng thái tâm lý tiêu cực như rối loạn nhân cách, tức giận, âu lo, sợ hãi, cô đơn, stress, khủng hoảng tâm lý thậm chí có thể dẫn tới các hành động cực đoan để tìm cách giải quyết lo âu, một trong các hành động đó là hành vi trả thù. Thực tiễn có nhiều câu chuyện kẻ bị xúc phạm trả thù người xúc phạm mình sau 10 năm khi bị kích động hoặc khi có yếu tố kích thích gợi nhớ.

          Vì vậy, khi có tranh chấp về đất đai, một loại tài sản lớn thì chúng ta cần giữ bình tĩnh, tìm cách giải quyết. Đặc biệt, trong tranh chấp không nên dùng các từ ngữ mang tính chất kích động bạo lực, cãi vã, thách thức và đặc biệt là xúc phạm người khác.

tranh-chap-dat-dai-4
Hãy luôn giữ bình tĩnh và kiểm soát lời nói khi xảy ra tranh chấp

Thượng tôn pháp luật

          Tôi có người anh, cách đây 1 năm anh về quê, có người hàng xóm hùng hổ chạy sang, vợ thì chửi, la lối, chồng thì doạ dẫm là nếu không đập tường đi thì anh ta sẽ đập vì cho rằng bức tường của nhà anh xây lấn sang nhà chị ta khoảng 5cm. Vợ anh và bố mẹ rất tức giận tính ra cãi lý và đòi lại công bằng. Đối mặt với sự căng thẳng đó, anh yêu cầu người nhà bình tĩnh và để anh giải quyết. Anh bước ra và nhẹ nhàng nói “Nhà tôi xây bức tường này đã mấy chục năm, nếu anh chị cho rằng nó lấn sang đất nhà mình, anh chị có quyền khởi kiện tới toà án và chính quyền. Chúng tôi sẽ thực thi theo phán quyết của chính quyền. Hành vi chửi bới, nhục mạ, xúc phạm và doạ dẫm của anh chị với tôi đã bị camera nhà tôi ghi lại, trước mắt tôi hoàn toàn có quyền khởi kiện anh chị vì tội xâm phạm chỗ ở, xúc phạm, nhục mạ và doạ dẫm gia đình tôi. Nếu anh chị khăng khăng muốn đập bức tường, gia đình chúng tôi cũng không ngăn cản, chúng tôi sẽ báo chính quyền về hành vi phá hoại tài sản công dân của anh chị.”

          Nói tới đó, thì gia đình kia cấm khẩu, những người hàng xóm chứng kiến sự việc thì bàn tán “đấy, người ta sai cứ kiện, chửi bới làm gì, coi chừng phạm luật”. Tiếp sau đó anh bạn tôi mỉm cười nói “2 gia đình chúng ta là hàng xóm láng giềng bao năm, vài cm đất không làm mình hạnh phúc hơn, có điều của ai người đó hưởng, nếu ai vi phạm thì nhờ chính quyền đo lại, thoả thuận với nhau, nếu không thoả thuận được thì đưa ra pháp luật cho công bằng. Không nên để cảm xúc chiếm hữu mình mà lỡ gây hoạ cho 2 nhà”

          Vợ chồng nhà hàng xóm nghe xong liền cúi mặt, xin lỗi, hàng xóm thì vỗ tay khen ngợi cách xử lý của anh bạn tôi. Mọi người qua đó cũng hiểu thêm 1 bài học về cách xử lý tranh chấp đất đau nói riêng và các mâu thuẫn nói chung trong cuộc sống.

tranh-chap-dat-dai-4
Hãy luôn đề cao pháp luật khi xảy ra tranh chấp

Đất đai có dễ bị cướp mất?

          Thực tế đất đai, bất động sản là tài sản được quy định bởi pháp luật rất chặt chẽ. Từng loại đất có giá trị pháp lý riêng, quyền và nghĩa vụ riêng của người đứng tên chủ sử dụng đất hay chủ sở hữu tài sản trên đất.

          Mỗi thửa đất, khu đất đều được đánh số theo dõi trên bản đồ địa chính của cơ quan quản lý, kèm theo đó là các giấy tờ được lưu và phát cho người chủ sử dụng đất, sở hữu tài sản trên đất như sổ đỏ, sổ hồng và các loại giấy tờ khác. Trong đó đều vẽ rõ sơ đồ thửa đất, số thửa, ranh giới, diện tích, mục đích sử dụng, tên người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà trên đất. Vì thế, nếu mảnh đất nhà bạn đã đầy đủ pháp lý thì bạn yên tâm là sẽ được nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản và sử dụng đất của bạn theo quy định pháp luật rõ ràng. Khi có những tranh chấp, khuất mắc nảy sinh, bạn phải liên hệ cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết thay vì vướng vào các lùm xùm tranh cãi cá nhân làm mất thời gian và có thể gây ra các hậu quả khôn lường.

Trên đây là một số lưu ý mà bạn cần đặc biệt chú ý khi xảy ra tranh chấp đất đai để giải quyết việc tranh chấp ổn thỏa và tránh mang họa. Hy vọng rằng bài viết sẽ hữu ích với bạn. Nếu bạn cần thông tin tư vấn, hãy liên hệ với Nhaphonet.vn qua hotline 1900.0357 để được hỗ trợ nhanh nhất.

Chuyên mục: Tin tức bất động sản