Lễ nhập trạch gồm những gì? Cách cúng lễ nhập trạch về nhà mới

Lễ nhập trạch là nghi lễ cổ truyền được người Việt rất xem trọng trong văn hóa phong thủy, giúp gia chủ có cuộc sống thuận hòa, êm ấm, tài lộc tại ngôi nhà mới. Vậy lễ cần chuẩn bị những gì, cách làm lễ nhập trạch về nhà mới như thế nào? Cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây của Nhaphonet.vn. 

Lễ nhập trạch là gì?

Lễ nhập trạch là một nghi lễ truyền thống của người Việt Nam khi chuyển đến nhà mới. Theo quan niệm dân gian, lễ nhập trạch giống như đăng ký hộ khẩu với thần linh, thổ địa đang cai quản ngôi nhà, có ý nghĩa khai báo với các vị thần, tổ tiên, thổ địa về việc gia chủ đã chuyển đến nơi ở mới, cầu mong may mắn, tài lộc, hòa thuận cho gia đình. Đây là một văn hóa phong tục đẹp, thể hiện sự tôn kính đối với các thần linh và tổ tiên, cũng như quan tâm đến phong thủy, an lành và hạnh phúc của gia đình. 

Lễ nhập trạch thường được tổ chức vào ngày tốt, giờ hoàng đạo hợp mệnh tuổi theo tử vi phong thủy. Trong lễ nhập trạch, gia chủ thường chuẩn bị các vật phẩm như hoa quả, bánh trái, rượu, trà, hương, nến, vàng mã… để cúng lễ và mời khách. 

le-nhap-trach-1
Lễ nhập trạch là một nghi lễ truyền thống của người Việt Nam khi chuyển đến nhà mới

Lễ nhập trạch gồm những gì?

Cụ thể lễ nhập trạch nhà mới cần chuẩn bị những gì, văn khấn nhập trạch về nhà mới như thế nào, cùng tìm hiểu chi tiết qua nội dung dưới đây!

Xem ngày nhập trạch về nhà mới

Xem ngày tốt nhập trạch là việc làm quan trọng và cần thiết trong phong thủy khi chuyển vào nhà mới, ảnh hưởng trực tiếp đến tài vận, may mắn, cát khí của gia đình. Để chọn được ngày lành tháng tốt, gia chủ cần dựa vào tuổi mệnh, năm sinh và đối chiếu với các yếu tố thiên can, địa chi. Chọn ngày nhập trạch về nhà mới nên tránh các ngày xấu như Tam nương, Nguyệt kỵ, Thọ tử, Sát Chủ, Dương công kỵ nhật; ngoài ra, gia chủ cũng cần chú ý đến các sao tốt và xấu trong ngày. 

Xét theo tử vi phong thủy, một ngày tốt cho lễ nhập trạch cần đảm bảo ba yếu tố quan trọng thiên thời, địa lợi, nhân hòa, hợp với tuổi mệnh gia chủ và là ngày đẹp hoàng đạo trong năm. Chọn được ngày tốt để làm lễ nhập trạch về nhà mới sẽ mang lại may mắn tài lộc, sức khỏe, hạnh phúc, hưng thịnh cho cả gia đình. Có một số cách để tìm ngày tốt cho lễ nhập trạch, như tính toán theo tuổi của gia chủ, dựa vào cung hoàng đạo, áp dụng nguyên tắc ngũ hành, hướng nhà, tránh những ngày xấu đại kỵ. 

le-nhap-trach-2
Xem ngày tốt nhập trạch là việc làm quan trọng và cần thiết trong phong thủy khi chuyển vào nhà mới, ảnh hưởng trực tiếp đến tài vận gia đạo

Gia chủ đang có kế hoạch xem ngày đẹp hợp tuổi để tiến hành nghi lễ nhập trạch trong tháng 10 và tháng 11 năm 2023 có thể tham khảo các thông tin ngày tốt nhập trạch tháng 10/2023ngày tốt nhập trạch tháng 11/2023 tại đây. Đây được xem là những ngày lành tháng tốt có cát khí tài lộc đẹp nhất trong tháng, phù hợp để gia chủ thực hiện cúng bái, nhập trạch về nhà mới. 

Sắm lễ nhập trạch gồm những gì?

Sắm lễ nhập trạch là một nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh phong thủy của người Việt Nam. Khi chuyển đến nhà mới, gia chủ cần chuẩn bị một số vật phẩm để thực hiện lễ cúng và xin phép tổ tiên, thần linh bảo hộ cho gia đình an lành, may mắn, hạnh phúc.

Theo phong tục, mâm lễ cúng nhập trạch thường có ba phần chính bao gồm: ngũ quả, hương hoa và mâm cơm cúng. 

  • Phần ngũ quả thường bao gồm năm loại trái cây theo mùa tươi ngon và đẹp mắt, gia chủ có thể lựa chọn bưởi, dưa hấu, đu đủ, cam, quýt,…
  • Phần hương hoa, một chậu hoa tươi như hoa hồng, hoặc cúc thường được lựa chọn trong mâm lễ cúng nhập trạch, ngoài ra, còn có các vật phẩm như đèn cầy, nhang, trầu cau, vàng mã, cùng ba hũ nhỏ chứa gạo, muối và nước để phòng trừ tà ma và thu hút tài lộc.
  • Phần mâm cơm cúng lễ nhập trạch có thể lựa chọn làm lễ cúng chay hoặc lễ cúng mặn. Nếu là lễ cúng mặn, gia chủ cần chuẩn bị các món như thịt luộc, tôm luộc, trứng vịt luộc, gà luộc hoặc thịt lợn quay, cùng với cháo hoặc xôi và một số món mặn khác. Nếu là lễ cúng chay, gia chủ có thể chuẩn bị xôi, canh, món xào, kho, bánh kẹo và chè.

Sau khi chuẩn bị xong các vật phẩm mâm lễ, gia chủ sẽ thực hiện lễ cúng theo thứ tự sau: cúng trời đất và thần tài ở ngoài cửa nhà; cúng ông công ông táo ở bếp; cúng tổ tiên ở bàn thờ; và cuối cùng là dọn dẹp nhà cửa và quét chổi. Trong thời gian cúng bái làm lễ nhập trạch nhà mới, gia chủ đọc bài cúng nhập trạch về nhà mới và xin phép các vị thần linh ban phước cho gia đình, mong ước những điều may mắn, tốt lành cho gia đạo trong ngôi nhà mới.

Văn khấn nhập trạch nhà mới

Lễ nhập trạch ngoài việc chuẩn bị đầy đủ các lễ vật và mâm cúng, gia chủ cần chuẩn bị văn khấn nhập trạch về nhà mới để thể hiện lòng thành, mong muốn với thần linh và gia tiên. Bài cúng nhập trạch bao gồm 2 phần: văn khấn thần linh xin nhập trạch và văn khấn gia tiên nhập trạch.

Gia chủ có thể tham khảo mẫu văn khấn thần linh xin nhập trạch sau đây:

le-nhap-trach-3
Văn khấn thần linh xin nhập trạch

Sau khi báo cáo với các vị thần linh, gia chủ cần đọc văn khấn gia tiên nhập trạch, xin phép ông bà tổ tiên để con cháu tiếp tục hương khói thờ cúng. Gia chủ có thể tham khảo bài văn văn khấn gia tiên nhập trạch sau đây:

le-nhap-trach-4
Văn khấn gia tiên nhập trạch

Lưu ý khi làm lễ nhập trạch về nhà mới

Việc thực hiện lễ nhập trạch một cách chỉn chu là quan niệm phong thủy quan trọng thu hút may mắn, cát khí, thịnh vượng cho gia đình gia đạo. Dưới đây là một lưu ý cụ thể để tiến hành lễ nhập trạch cho ngôi nhà mới đảm bảo ý nghĩa phong thủy tốt nhất cho ngôi nhà mới:

le-nhap-trach-5
Lễ nhập trạch không chỉ là một phần quan trọng của văn hóa truyền thống, mà còn mang ý nghĩa tâm linh và tạo năng lượng tích cực cho ngôi nhà
  • Trước khi chuyển đến nhà mới, gia chủ cần chuẩn bị sẵn lò than và đặt ở cửa ra vào. 
  • Bố trí đồ cúng và đồ đạc lên mâm ngay ngắn, chỉn chu để thực hiện thủ tục cúng bái chuyển nhà mới.
  • Chủ nhà thường là người nam trụ cột gia đình sẽ là người tiến hành thủ tục đầu tiên. Gia đạo bước qua lò than (chân trái trước, chân phải sau), mang theo bát hương cùng bài vị gia tiên, các thành viên khác sẽ lần lượt bước qua lò than, cầm theo các vật thờ cúng và các vật mang ý nghĩa may mắn. 
  • Sau khi thực hiện thủ tục cúng bái, gia đạo nên mở toàn bộ cửa và cửa sổ trong ngôi nhà,  kích hoạt năng lượng tích cực trong ngôi nhà:
  • Gia đạo sắp xếp lại bàn thờ gia tiên, bàn thờ thần tài thổ địa, và bố trí mâm cúng, ở giữa nhà, hướng về phía hợp tuổi của gia chủ.
  • Gia chủ đại diện sẽ thắp nhang và đọc văn khấn, tất cả thành viên khác sẽ đứng trước mâm cúng, chắp tay nghiêm trang, thể hiện sự tôn trọng và lòng thành kính với thần linh, tổ tiên. 
  • Trong thời gian chờ nhang tàn, chủ nhà sẽ bật bếp và nấu nước phà trà dâng lên mâm cúng và cho người nhà thưởng thức. Đây cũng là một cách khai hỏa và tạo năng lượng cho ngôi nhà mới. Sau đó, gia chủ sẽ tiến hành hóa tiền vàng, sau khi cháy hết, rượu sẽ được rưới lên tàn tro.
  • Lưu giữ ba hũ muối, gạo và nước đặt vào bàn thờ táo quân, điều này mang ý nghĩa mang lại tài lộc, sung túc, no đủ cho gia đạo.

Lễ nhập trạch không chỉ là một phần quan trọng của văn hóa truyền thống, mà còn mang ý nghĩa tâm linh và tạo năng lượng tích cực cho ngôi nhà mới,  thể hiện lòng thành kính của gia chủ, và mong được thần linh và gia tiên phù hộ cho gia đình sung túc, bình an, may mắn. Hy vọng bài viết phong thủy về lễ nhập trạch của Nhaphonet.vn mang lại cho gia đạo nhiều thông tin hữu ích. Chúc bạn may mắn. 

Chuyên mục: Phong thủy, Tin tức