Thông tin và các điểm tham quan tại khu di tích gò Đống Đa Hà Nội

Di tích gò Đống Đa là một trong những địa điểm lịch sử nổi tiếng tại thành phố Hà Nội. Nơi đây được xem là biểu tượng cho tinh thần kháng chiến từ xưa của cha ông ta. Với giá trị lịch sử văn hóa đặc biệt, di tích gò Đống Đa thu hút hàng ngàn nhân dân về đây tham quan mỗi năm.

Thông tin chung về di tích gò Đống Đa

Cuối năm 2018, với quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ ban hành cho khu di tích Gò Đống Đa Hà Nội đã khẳng định sự quan trọng của di tích này trong di sản văn hóa của đất nước.

Vị trí của khu di tích gò Đống Đa

Di tích gò Đống Đa có diện tích ước chừng khoảng 6.000 m2. Phía trên có một đền thờ để tưởng niệm và ghi nhớ công ơn các chiến sĩ anh hùng, những người có công với lịch sử dân tộc như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu… Gò Đống Đa là một di tích lịch sử nằm tại khu vực phố Tây Sơn của quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Đối chiếu với lịch sử ghi chép lại trước kia về vực này thì đây là vị trí của làng Khương Thượng thuộc quận Quảng Đức, phủ Thuận Thiên và khá gần với thành Thăng Long thời bấy giờ.

Đến năm 1989 với kế hoạch cải tạo lại khu di tích gò Đống Đa của Thành phố Hà Nội nhân dịp kỉ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa của nghĩa quân Tây Sơn thì Công viên văn hóa Đống Đa đã chính thức được khởi công xây dựng. Với diện tích lên tới 21.000 m2, Công viên văn hóa Đống Đa là dự án bao gồm tượng đài và đền thờ vua Quang Trung – Nguyễn Huệ, khu nhà trưng bày, khu vực gò Đống Đa và bức phù điêu dài gần 50 m ghi lại trận đánh hào hùng của nghĩa quân Tây Sơn năm xưa. Theo thời gian thì đến nay di tích gò Đống Đa Hà Nội luôn được nhân dân trân quý và ghi nhớ như một dấu ấn cho một thời kì lịch sử vàng son của dân tộc.

khu-di-tich-go-dong-da-cong-vien-van-hoa-dong-da-ha-noi-6
Vị trí khu di tích gò Đống Đa nằm trên phố Tây Sơn

Lịch sử của di tích gò Đống Đa

Liên quan đến lịch sử của khu di tích gò Đống Đa phải kể đến chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa của nghĩa quân Tây Sơn vào thế kỉ thứ 18. Vào cuối năm 1788 khi vua Lê Chiêu Thống sang cầu triều đình Mãn Thanh sang giúp lật đổ nhà Tây Sơn đã tạo cơ hội và lý do bên ngoài chính đáng để nhà Thanh mang 29 vạn quân tiến đánh vào nước ta, thực hiện được ý đồ chiếm đóng lãnh thổ của dân ta. Trước tình hình đó vào 25/11/1788, người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã lên ngôi Hoàng đế xưng hiệu vua Quang Trung và tiến đánh ra phía Bắc.

Vào đêm mồng 4, sáng mồng 5/1/1789, dưới sự chỉ huy của Đô đốc Đặng Tiến Đông, nghĩa quân đã công phá đồn Khương Thượng khiến chủ tướng quân Thanh lúc đó là Sầm Nghi Đống treo cổ tự vẫn ở cây đa núi Ốc. Nhờ chiến thắng vang dội này đã mở đường cho nghĩa quân của vua Quang Trung thẳng đánh từ Ngọc Hồi vào kinh thành Thăng Long, dẹp yên nạn thù trong giặc ngoại lúc bấy giờ cho đất nước.

Kết thúc cuộc chiến đấu, vì xác người chết nằm la liệt nhiều nơi nên vua Quang Trung đã cho đào 12 hố lớn để chôn lấp hết các thi hài. Tuy nhiên vì quá nhiều cho nên những hố đó xếp thành nhiều gò cao, trải từ suốt làng Thịnh Quang đến làng Nam Đồng. 12 gò đất cứ như vậy đánh dấu như là một chiến công huy hoàng của đất nước trước các kẻ ngoại xâm. Sang đến thời vua Tự Đức, vì thực hiện mở đường mở chợ, lại giáp với khu Thịnh Quang và Nam Đồng nên nhiều hài cốt đã được tìm thấy, quân lính đã thu lại và chôn dưới một hố giáp núi Xưa, trở thành gò thứ 13. Khi thực dân Pháp mở rộng Hà Nội vào những năm 1890 đã san bằng 12 gò đất ban đầu từ thời vua Quang Trung, di tích gò Đống Đa hiện nay chỉ còn lưu giữ lại gò thứ 13, tức cái được xây dựng từ thời vua Tự Đức.

khu-di-tich-go-dong-da-cong-vien-van-hoa-dong-da-ha-noi-3
Di tích gò Đống Đa liên quan đến chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa oanh liệt một thời

Các hoạt động dành cho bạn tại khu di tích gò Đống Đa

Khi bạn muốn đến tham quan và dâng hương tại khu di tích gò Đống Đa, đây sẽ là một số điểm đến và thời gian gợi ý mà Nhaphonet.vn dành cho bạn.

Lễ hội di tích gò Đống Đa Quang Trung Đống Đa Hà Nội

Giữ vững truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cũng như nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị tốt đẹp, lòng yêu nước cho nhân dân thì hàng năm vào mùng 5/1 Âm lịch, Lễ Hội Gò Đống Đa Hà Nội được tổ chức để nhân dân các nơi có thể về dâng hương, tưởng niệm công lao của nghĩa quân Tây Sơn năm xưa. Lễ hội được tổ chức với 2 phần chính là lễ và hội, vừa thể hiện sự trang nghiêm, thành kính của nhân dân mà cũng vừa mang lại không khí rộn ràng, náo nhiệt cho các người đến tham gia.

Các hoạt động diễn ra trong Lễ hội di tích gò Đống Đa Hà Nội

Phần lễ
  • Dâng hương
  • Lễ tế tại đình Khương Thượng, rước kiệu từ đình đến Gò Đống Đa
  • Lễ cầu siêu cho các vị chiến sĩ, tướng lĩnh anh hùng ở chùa Bộc
  • Buổi cúng cháo cầu siêu cho quân Thanh tử trận tổ chức tại chùa Đông Quang
Phần hội
  • Đánh trống theo hiệu lệnh năm xưa của nghĩa quân Tây Sơn
  • Rước rồng lửa
  • Tái hiện các câu nói nổi tiếng của vua Quang Trung
  • Các hoạt động trình diễn khác như múa Lân múa Rồng, võ cổ truyền, múa gậy đánh đuổi giặc…

Có thể nói rằng ngoài phần lễ được tổ chức trang nghiêm với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội thì điểm nhấn đặc biệt nhất của lễ hội di tích gò Đống Đa phải kể đến màn tái hiện lại các sự kiện quan trọng trong công cuộc giữ nước và đánh tan giặc Thanh của vua Quang Trung. Vở diễn này đem lại cho các người dân đến lễ hội như được thực sự sống trong không khí hào hùng và tinh thần quyết thắng, anh dũng của nghĩa quân Tây Sơn ngày ấy giờ cũng như nhắc lại một thời lịch sử hào hùng của dân tộc đối với tất cả các thế hệ người xem.

khu-di-tich-go-dong-da-cong-vien-van-hoa-dong-da-ha-noi-5
Lễ hội gò Đống Đa là Quốc lễ thu hút nhiều người đến tham dự

Các điểm đến tham quan quanh khu di tích gò Đống Đa

Nằm trong khuôn viên Công viên văn hóa Đống Đa cho nên khi bạn đến thăm quan khu di tích gò Đống Đa Hà Nội, thì bạn có thể đến một số điểm đến du lịch khác ngay trong khu vực như:

  • Tượng đài vua Quang Trung

Với tổng diện tích khu vực khoảng 15.000 m2, bức tượng vua Quang Trung gần 200 tấn được đúc lên từ bê tông cốt thép và ốp đá hoa cương cùng phun vảy đồng bên ngoài. Với chiều cao lên tới gần 15m cùng với các nét khắc, trổ rõ nét, oai phong đã làm toát lên phong thái một vị vua lỗi lạc, một người anh hùng Việt Nam tiêu biểu.

Ngoài ra, ngay cạnh tượng đài còn được dựng 2 bước phù điêu lớn dài 47m. Tại đây, các diễn biến của trận đánh lịch sử năm ấy của nghĩa quân Tây Sơn đã được tái hiện lại một cách sáng tạo và sinh động

khu-di-tich-go-dong-da-cong-vien-van-hoa-dong-da-ha-noi-4
Tượng đài vua Quang Trung ở khu di tích gò Đống Đa
  • Khu vực nhà trưng bày

Hiện nay, khi đến tham quan khu di tích gò Đống Đa, bạn có thể đến gian nhà trưng bày để xem lại các hiện vật của trận đánh Ngọc Hồi năm đó như mô hình 2 khẩu pháo thần công, sa bàn của trận đánh, mô hình thuyền chiến Đại Hiệu có trang bị hỏa lực của trận đánh năm đó… Không gian của nhà trưng bày có diện tích khoảng 100 m2 và ở ngay sau khu tượng đài tưởng niệm vua Quang Trung nên sẽ thuận tiện cho du khách và nhân dân đến tham quan

  • Tấm bia trên di tích gò Đống Đa

Tại khu vực gò Đống Đa Hà Nội với diện tích khoảng 6275 m2 thì vào năm 1990, một tấm bia đá đã được dựng tại đỉnh khu gò này. Hiện nay, trên bia có trích lại lời câu nói khích lệ tinh thần các chiến sĩ trước trận đánh của vua Quang Trung trong áng văn “Hịch xuất quân” như sau: “Ðánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” nghĩa là Đánh cho biết rằng nước Nam anh hùng là có chủ. Đây không chỉ là câu nói mang tính cổ vũ đến nhuệ khí quân ta mà còn như một sự khẳng định chắc chắn về độc lập, tự do và chủ quyền của đất nước ta

khu-di-tich-go-dong-da-cong-vien-van-hoa-dong-da-ha-noi-1
Tấm bia đá khắc lại câu nói của vua Quang Trung trước trận đánh Ngọc Hồi – Đống Đa

Các lưu ý khi đến khu di tích gò Đống Đa

Khi đến khu di tích gò Đống Đa, bạn hãy chú ý một số vấn đề sau đây:

  • Khu di tích là nơi tưởng niệm và di tích lịch sử quan trọng của dân tộc vì thế khi đến tham quan, bạn nên lựa chọn các quần áo lịch sự, tránh sử dụng các trang phục quá ngắn hay không kín đáo để tôn trọng không khí trang nghiêm tại đây
  • Nếu bạn đến vào dịp lễ hội Gò Đống Đa Hà Nội vào mùng 5 tháng Giêng thì nên chú ý bảo quản tư trang cá nhân do vào thời gian này, di tích sẽ tiếp đón nhiều du khách và người dân đến tham quan, chơi hội
  • Với vị trí của khu di tích gò Đống Đa nằm tại quận Đống Đa là khu vực quận nội thành có đông dân cư, tiện lợi di chuyển nên bạn có thể dễ dàng di chuyển bằng nhiều cách thức đến đây. Nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân thì bạn có thể đi từ vị trí phố Nguyễn Lương Bằng hoặc phố Chùa Bộc rẽ sang khu vực Tây Sơn hướng về Ngã Tư Sở là đã đến khu di tích. Nếu bạn tìm kiếm các tuyến xe bus đi qua đây, thì có thể tham khảo chuyến 01, 02, 23, 26 để thuận tiện.

Trên đây là một vài thông tin về khu di tích gò Đống Đa – một trong những địa điểm lịch sử và văn hóa quan trọng của Hà Nội. Không chỉ là nơi gắn liền với một trang sử hào hùng của dân tộc, gò Đống Đa còn là một điểm đến thu hút nhiều người đến tham quan và tìm hiểu về lịch sử văn hóa Việt Nam. Với không gian yên tĩnh, tươi đẹp và những ký ức lịch sử đầy cảm động, di tích gò Đống Đa chắc chắn sẽ mang đến cho bạn một trải nghiệm đáng nhớ khi đến thăm Hà Nội.

Chuyên mục: Địa điểm nổi bật