Chùa Phúc Khánh Hà Nội nơi tâm linh tìm về giây phút bình yên

Chùa Phúc Khánh Hà Nội là một trong những điểm tham quan, tâm linh nổi tiếng tại thủ đô Hà Nội. Với kiến trúc độc đáo và lịch sử lâu đời, ngôi chùa thu hút hàng trăm hàng ngàn các tín đồ Phật giáo từ các nơi đổ về. Trong bài viết sau đây, Nhaphonet.vn sẽ giới thiệu về lịch sử, kiến trúc, và các hoạt động tại chùa Phúc Khánh dành cho các bạn để hiểu hơn về ngôi chùa này.

Thông tin tổng quan về chùa Phúc Khánh Hà Nội

Chùa Phúc Khánh là một ngôi chùa lâu đời tại Thủ đô. Chùa đã được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa Quốc gia vào năm 1988 bởi Bộ Văn hóa – Thông tin. Hàng năm, chùa Phúc Khánh Hà Nội là điểm đến thu hút hàng trăm ngàn Phật tử về tham quan và dâng lễ.

Vị trí của chùa Phúc Khánh Hà Nội

Chùa Phúc Khánh là ngôi chùa có vị trí nằm tại số 382 Tây Sơn phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, nằm khá gần vị trí khu vực Ngã Tư Sở. Xét về vị trí của ngôi chùa thì đây là địa điểm khá thuận tiện cho các Phật tử về bái lễ. Phố Tây Sơn là khu vực giao cắt khá quan trọng khi từ đây dẫn sang nhiều tuyến phố của quận Đống Đa và Thanh Xuân như phố Trường Chinh, Nguyễn Trãi, Thái Hà, Chùa Bộc, đường Láng…

Với vị trí giao thông gần nhiều khu phố lớn như vậy thì để các Phật tử di chuyển đến chiêm bái cũng rất thuận tiện:

  • Khi sử dụng phương tiện công cộng: Bạn có thể đi tuyến xe bus 01,02,24… đây sẽ là các tuyến xe có lộ trình đi qua chùa Phúc Khánh Hà Nội
  • Khi sử dụng phương tiện cá nhân: Chùa Phúc Khánh Hà Nội nằm trên tuyến phố Tây Sơn nên bạn có thể di chuyển từ phố Xã Đàn rẽ sang khu Nguyễn Lương Bằng và chạy dọc theo phố Tây Sơn qua cầu vượt Thái Hà – Chùa Bộc sẽ thấy chùa nằm ở bên tay trái. Nếu bạn đi theo hướng từ đường Láng, phố Nguyễn Trãi hay khu Trường Chinh thì có thể đi ra phố Tây Sơn và quay đầu lại ở ngã tư giao phố Thái Thịnh
chua-phuc-khanh-ha-noi-4
Vị trí của chùa Phúc Khánh Hà Nội nằm ngay gần khu vực Ngã Tư Sở

Thời gian mở-đóng cửa chùa Phúc Khánh Hà Nội

Các Phật tử khi có nhu cầu đi lễ chùa Phúc Khánh Hà Nội có thể đến chùa vào tất cả cả các ngày trong tuần. Chùa sẽ mở cửa đến các Phật Tử từ 5h00 sáng cho đến 21h00 buổi tối. Tuy nhiên giờ mở đóng cửa của chùa có thể sẽ thay đổi tùy thuộc vào các dịp lễ, tết trong năm.

Lịch sử của chùa Phúc Khánh Hà Nội

Theo như tương truyền đến ngày nay thì chùa Phúc Khánh Hà Nội là ngôi chùa cổ lâu đời, bắt nguồn từ vào giai đoạn khoảng cuối thời đại nhà Trần. Trong lần vi hành ngoại thành Thăng Long của triều đình khi ấy, nhân dân của làng Sở với mong muốn xây dựng một nơi thờ Phật và cũng nhằm tri ân với vua nhà Trần bấy giờ nên đã lập nên chùa Phúc Khánh.

Sang đến thời nhà Hậu Lê, chùa Phúc Khánh Hà Nội lúc này được sử dụng làm cơ sở đào tạo các tăng tài cho Phật giáo. Nhưng không may do một trận hỏa hoạn nên chùa đã bị hư hỏng hầu như toàn bộ cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, dựa trên một số tài liệu lịch sử ghi lại thì chùa Phúc Khánh khi ấy nằm trong phạm vi của trận đánh Đống Đa năm 1789 cho nên cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến ngôi chùa bị thiệt hại nặng nề. Đến khoảng thời gian của thế kỷ 20, ngôi chùa đã được cải tạo và xây dựng lại, giữ nguyên kiến trúc cho đến hiện nay. Theo như lịch sử ghi lại thì trong giai đoạn từ năm 1853-1998, chùa Phúc Khánh Hà Nội đã trải qua khoảng 8 lần trùng tu và sửa chữa vào năm 1853, 1921, 1932, 1935, 1940, 1993, 1996, 1998. Điểm đặc biệt là vào năm 1940, để đáp ứng việc đào tạo tăng tài và làm thành điểm an cư kiết hạ hàng năm cho các vị chư tăng thì trụ trì Thích Trung Thứ đã cho tu sửa lại chùa nhằm phục vụ mục đích trên.

Hiện nay, để giải đáp cho câu hỏi chùa Chùa Phúc Khánh thờ ai thì đây là ngôi chùa thờ Phật, thờ Thánh Mẫu và các chư vị cao tăng có những đóng góp lớn lao cho nhà chùa trong suốt quá trình lịch sử từ khi xây dựng cho tới nay. Theo như các người dân sinh sống lâu năm quanh khu vực này cho biết thì trước đây chùa Phúc Khánh Hà Nội (hay còn được gọi là chùa Sở) chỉ là một ngôi chùa làng, là địa điểm lễ Phật của các người dân tại đây. Tuy nhiên từ khi Thượng tọa Thích Thanh Quyết là một cao tăng nổi tiếng về làm trụ trì chùa Phúc Khánh thì ngôi chùa ngày càng có tiếng và thu hút nhiều Phật tử khắp nơi về bái lễ hàng năm.

chua-phuc-khanh-ha-noi-5
Chùa Phúc Khánh thờ Phật, thờ Thánh Mẫu và các vị cao tăng có đóng góp cho nhà chùa

Kiến trúc của chùa Phúc Khánh Hà Nội

Về kiến trúc của chùa Phúc Khánh Hà Nội thì đây là công trình được xây dựng và đến hiện tại vẫn giữ vững phong cách thiết kế truyền thống, xen lẫn giữa kiến trúc của thiền phái Bắc Tông và thiền phái Lâm Tế. Ngay khi bước đến trước chùa bạn sẽ thấy ngay khu vực cổng Tam Quan với một cổng chính giữa lớn nhất cùng với 02 cổng nhỏ hơn ở hai bên. Với lối kiến trúc thường thấy như ở các đình, chùa cổ khác thì cổng Tam quan tại đây cũng được xây làm thành 2 tầng, phía trên sẽ là gác chuông. Ở hai phía bên cạnh cổng Tam quan sẽ là các cột trụ được khắc hình cá sấu quay đầu về giữa. Hiện nay đa số các Phật tử và du khách đến tham quan và dâng lễ ở chùa sẽ không đi qua khu vực cổng Tam quan mà sử dụng lối đi phụ ở ngay bên cạnh để vào trong.

chua-phuc-khanh-ha-noi-2
Chùa Phúc Khánh Hà Nội với kiến trúc Cổng Tam quan

Đi qua khu vực cổng Tam quan, bạn sẽ tiến tới khu vực sân chùa Phúc Khánh Hà Nội. Khoảng sân tuy không quá rộng nhưng với không gian thanh tĩnh thì ngay khi bước vào trong, bạn đã có thể cảm thấy thư thái và lòng trở nên thanh bình hơn. Trong khoảng sân này, nhà chùa cũng thỉnh một Đài Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay. Sâu vào bên trong chùa sẽ là khu nhà từ Tiền đường, Hậu cung (là các khu nhà thuộc Phật điện) cùng với khu vực nhà tổ… Đối với các không gian thờ cúng bên trong hiện nay vẫn được nhà chùa xếp theo hình chữ “Công”.

  • Tiền đường sẽ được chia thành 5 gian với cuốn thư chữ Hán 3 từ “Hoàng Kim Điện” (nghĩa là Điện rồng vàng) được đắp nổi ngay giữa bờ nóc. Đây là lối kiến trúc được duy trì từ những ngày trước đây, tạo nên vẻ vừa cổ kính mà trang nghiêm cho khu tiền đường của chùa Phúc Khánh Hà Nội. Ngoài ra, các vì kèo tại đây cũng được các nghệ nhân điêu khắc và chạm trổ theo chủ đề tùng-hạc-cúc-điệp… mang theo hơi thở và tín ngưỡng văn hóa cầu may mắn, hạnh phúc, an khang… Khu vực Tiền đường có 2 tượng thờ Khuyến Thiện, Trừng Ác cùng với 2 bệ thờ Đức Ông và Giám trai
  • Hậu cung bên trong bao gồm 3 gian với lối xây dựng không quá cầu kì, xa hoa. Trong Hậu cung thì để tượng Cửu Long với 2 phía bên cạnh là tượng Phạm Thiên cùng Đế Thích, tượng Quan Âm, tượng Phật Niêm Hoa, A Di Đà Tam tôn (bao gồm A Di Đà, Quan Âm, Đại Thế Chí), Tam thế
  • Khu vực Điện Mẫu và Nhà Tổ được xây dựng với vì kèo quá giang tạo nên không gian vừa uy nghi mà mang đậm dấu ấn truyền thống. Nhà Tổ là không gian đưuọc bố trí để thờ cúng các vị sư tăng đã viên tích, trước đây từng làm trụ trì của chùa. Với nhà khách và nhà trai ở bên trong chùa Phúc Khánh Hà Nội cũng được làm thành dạng đầu hồi bít đốc
chua-phuc-khanh-ha-noi-3
Các khu bái lễ trong chùa được chia ra thành nhà Tiền đường, Hậu cung và khu Nhà tổ

Ý nghĩa lịch sử và giá trị văn hóa của chùa Phúc Khánh Hà Nội

Chùa Phúc Khánh Hà Nội không chỉ là điểm đến dành cho đời sống tâm linh của nhân dân hiện nay mà đây còn như là một dấu ấn lịch sử của Hà Nội với nhiều di vật mang theo câu chuyện và văn hóa của một thời lịch sử. Trong chùa hiện đang lưu giữ nhiều tượng Phật được chế tác tinh xảo từ trước đấy rất lâu cùng sự đa dạng về chất liệu, thậm chí có một số pho tượng còn được tạc khắc từ thời Tây Sơn với lối văn hóa và phong cách đương thời. Ước tính hiện nay chùa Phúc Khánh Hà Nội đang bảo quản và gìn giữ khoảng 20 pho tượng với phong cách thời Tây Sơn bấy giờ (thời gian vào khoảng thế kỉ 18). Ngoài ra, trong chùa hiện cũng có khoảng 21 bia đổ cổ từ những năm 1698, 3 quả chuông đồng có thời gian lịch sử từ xa xưa cùng với nhiều đồ thờ tự và di vật quý giá khác như cửa võng, cuốn thư, hoành phi, đỉnh trầm, bát hương đồng…

Là ngôi chùa có giá trị lịch sử và nguồn gốc hình thành lâu đời do đó chùa Phúc Khánh là một trong các điểm đến tại quận Đống Đa thu hút nhiều Phật tử và người dân tứ phương đến lễ bái. Hàng năm, chùa Phúc Khánh Hà Nội có tổ chức các nghi lễ Phật giáo như Lễ Cầu an, Lễ Dâng sao giải hạn cùng Lễ Cầu siêu.

  • Lễ dâng sao La Hầu là khóa lễ được tổ chức đầu tiên trong một năm ở chùa Phúc Khánh. Dịp lễ này sẽ được nhà chùa thực hiện vào mùng 8 Tết Âm Lịch hàng năm
  • Đại lễ cầu an Chùa Phúc Khánh Hà Nôi sẽ được thực hiện vào trước Rằm Tháng Giêng 1 hôm, tức ngày 14 tháng 1 theo lịch âm
  • Lễ dâng sao giải hạn được chùa tổ chức vào 3 ngày, đó là mùng 8,15,18 tháng Giêng âm lịch

Đặc biệt vào dịp Lễ Cầu an và Lễ Dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh Hà Nội thu hút hàng trăm hàng ngàn Phật Tử đổ về dâng lễ với mong muốn cầu bình an, hóa giải tai họa. Vì thế nếu bạn đang muốn đến bái lễ tại chùa Phúc Khánh vào thời gian này thì nên lựa chọn thời gian hợp lý để tránh xảy ra tình trạng chen lấn, đông người.

chua-phuc-khanh-ha-noi-1
Chùa Phúc Khánh Hà Nội là địa điểm mang đậm dấu ấn lịch sử cùng đặc điểm đời sống văn hóa của nhân dân

Chùa Phúc Khánh Hà Nội là một điểm đến để bạn có thể thư giãn và khám phá nét văn hóa  qua nhiều giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc. Với kiến trúc cổ kính và không gian yên tĩnh, chùa Phúc Khánh sẽ là nơi để bạn tìm lại sự tĩnh tâm và thanh thản trong cuộc sống hiện đại.

Chuyên mục: Địa điểm nổi bật